Hơn 10 năm đến các cơ quan công quyền với hi vọng được cấp giấy khai sinh nhưng chị Lê Thu Huyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chỉ nhận được câu trả lời “không đủ điều kiện để giải quyết”. Việc không có giấy tờ tùy thân khiến chị cảm thấy mình như người vô hình.
Hành trình 10 năm đi làm giấy khai sinh bất thành
Đã có bài báo phản ánh về trường hợp một phụ nữ thường được gọi với tên Lê Thu Huyền suốt gần 40 năm qua không có giấy khai sinh cùng các giấy tờ tùy thân khác khiến chị và người thân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhiều năm qua, chị Huyền đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng với hi vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ trong việc cấp giấy khai sinh, làm thẻ căn cước công dân cho chính mình. Thế nhưng đều không có kết quả.
Chị Huyền chia sẻ, trong suốt khoảng thời gian mình tồn tại ở Hà Nội, việc không có giấy tờ tùy thân khiến cho cuộc sống rất bấp bênh, cảm giác bản thân như một người “vô hình”, sống ngoài lề xã hội. Từ năm 2010 đến nay, chị Huyền đã “gõ cửa” nhiều cơ quan nhà nước để đăng ký thủ tục nhưng đều đi vào bế tắc.
Sau nhiều năm đi làm thủ tục để được cấp giấy khai sinh bất thành, giữa tháng 6/2021, theo hướng dẫn của người quen, chị Huyền đã tìm đến UBND phường Phúc Tân (nơi chị đang sinh sống) để đăng ký khai sinh. Tại đây, UBND phường Phúc Tân yêu cầu chị Huyền khẳng định một số thông tin và yêu cầu xác minh thêm các nội dung khác ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa, TP Hà Nội), nơi chị từng cư trú.
Chị Huyền tìm đến phường Văn Miếu để xin xác nhận và đã được Công an phường Văn Miếu xác nhận, từ năm 2000 đến năm 2006 và từ năm 2011 đến năm 2020 chị Huyền cư trú tại địa bàn phường Văn Miếu cùng chồng.
Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ căn cứ để UBND phường Phúc Tân tiến hành đăng ký khai sinh cho người phụ nữ này. Nguyên nhân vì sau khi thẩm tra, xác minh và đối chiếu các quy định, UBND phường Phúc Tân không xác định được nguồn gốc sinh ra và lớn lên, không có bản ảnh để xác định bản thân chị Huyền.
Xét nghiệm ADN là cơ sở để làm giấy khai sinh
Trao đổi với PV về sự việc trên, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Tinh Thông Luật) cho biết, Điều 14 Luật Hộ tịch nêu rõ, nội dung đăng ký khai sinh gồm những thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân như thông tin của người được khai sinh (họ, tên, giới tính, năm sinh, dân tộc…); thông tin về cha mẹ của người đó; số định danh cá nhân… Theo đó, hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị khi đi đăng ký khai sinh được nêu tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch.
Hơn chục năm qua, tôi đã cố gắng tự tìm mọi cách để xin được cấp giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân đều bất thành. Trong khi đó, cuộc sống hết sức khó khăn, không có giấy tờ tùy thân khiến tôi không thể xin được một công việc chính thức, hàng ngày tôi chỉ đi làm bưng bê, rửa bát, phục vụ cho các quán ăn… Chồng tôi mới mất năm ngoái vì bạo bệnh, để lại cho tôi 3 người con thơ. Hai năm qua, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 tôi gần như không có việc làm, 2 đứa con lớn của tôi phải nghỉ học giữa chừng, đứa nhỏ nhất (5 tuổi) cũng có nguy cơ không được đi học”.
Nếu không có giấy chứng sinh thì phải nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh. Không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh… Đặc biệt, nếu cha mẹ của trẻ đăng ký khai sinh đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
Khi khai sinh cho con không bắt buộc phải xuất trình đăng ký kết hôn trừ trường hợp cha mẹ đã kết hôn. Nếu cha mẹ chưa đăng ký kết hôn thì con sẽ được khai sinh theo diện chưa xác định được cha hoặc mẹ. Khi đó, nếu chưa xác định được cha hoặc mẹ thì phần ghi cha hoặc mẹ sẽ bỏ trống trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh (Điều 15 Nghị định 123 năm 2015).
“Việc ông Lê Huy Sơn (được chị Huyền xác định là bố – PV) chưa kết hôn vẫn có thể thực hiện khai sinh cho chị Huyền. Khi đó, sẽ khai sinh cho chị Huyền theo diện chưa xác định được cha hoặc mẹ và trong giấy khai sinh không thể hiện tên của cha hoặc mẹ. Nếu muốn khai sinh có đầy đủ tên cha và mẹ thì phải thực hiện đồng thời 2 thủ tục là đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ và con. Hồ sơ để thực hiện đồng thời hai thủ tục này được quy định cụ thể tại Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP”, luật sư Bình nói.
“Có 2 cách để chứng minh quan hệ cha con, mẹ con là: Xét nghiệm ADN tại cơ quan y tế, cơ quan giám định… trong nước và nước ngoài hoặc thư từ, phim ảnh, băng đĩa… chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con cùng văn bản cam đoan con chung có người làm chứng. Như vậy, xét nghiệm ADN của ông Lê Huy Sơn và chị Huyền là cơ sở để làm giấy khai sinh. Ông Sơn và chị Huyền có thể đến phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để được giải quyết theo quy định”, luật sư Bình cho hay.
Trước đó, phản ánh tới Báo PNVN, chị Lê Thu Huyền cho biết, ngày 26/4/1984 chị được sinh ra tại nhà hộ sinh Hàng Bún. Sau khi sinh, mẹ chị đã mang chị đến trả cho ông bà nội chị rồi bỏ đi biệt tích. Thời điểm này, bố đẻ chị là ông Lê Huy Sơn đang chấp hành án phạt tù.
Từ khi sinh ra cho đến nay chị không có bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào khiến cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn. Năm 2000, chị kết hôn và theo chồng về sinh sống bên quận Đống Đa, sau đó sinh được 3 người con, nhưng giấy khai sinh của các con chị phần họ tên của mẹ đều bỏ trống.
Giữa năm 2020, chồng chị qua đời, chị cùng các con về sinh sống cùng bố đẻ ở phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Gần 2 năm qua, do dịch bệnh nên công việc bưng bê, phục vụ tại các quán ăn của chị bị ảnh hưởng. Mất việc, không có thu nhập, hai đứa con lớn của chị đang học lớp 11 và lớp 10 buộc phải nghỉ học để đi bán hàng rong cùng người bác. Đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi cũng có nguy cơ thất học.
Do không được ghi nhận sự tồn tại trên bất kỳ loại giấy tờ pháp lý nào khiến chị không thể đăng ký kết hôn cũng như bất kỳ thủ tục hành chính nào khác. Gặp nhiều khó khăn khi đi khám chữa bệnh, đăng ký nhập học cho con.
Năm 2016, chị có làm xét nghiệm huyết thống ADN với ông Lê Huy Sơn (bố đẻ chị Huyền). Đồng thời tìm lại các thông tin tại nhà hộ sinh Hàng Bún, tuy nhiên do thời gian đã quá lâu nên không còn lưu trữ thông tin gì về việc sinh nở của chị Huyền. Điều đó, khiến chị không thể làm giấy khai sinh.
Theo phunuvietnam.vn